Phân bố Gà lôi lam mào trắng

Gà lôi lam mào trắng là loài đặc hữu của miền Trung Việt Nam và trong lịch sử đã được ghi nhận tại 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế). Loài này được mô tả lần đầu từ 4 cá thể mẫu do các nhà truyền giáo Pháp thu được tại Quảng Trị (mẫu tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia, Paris, Pháp). Từ năm 1923 đến năm 1929, Delacour tổ chức 7 chuyến nghiên cứu ở Đông Dương và thu được 64 cá thể, trong đó 28 cá thể được vận chuyển sang Pháp và được cho là quần thể sáng lập cho quần thể nuôi nhốt hiện nay (Ciarpaglini & Hennache 1997).[2]

Từ năm 1930 đến năm 1996, không có cá thể Gà lôi lam mào trắng có hình thái điển hình nào được ghi nhận; nhưng trong giai đoạn từ 1964 đến 1995 đã xuất hiện ít nhất 31 cá thể ở dạng biến dị do đồng huyết (con trống có một số lông đuôi giữa màu trắng) ở khu vực Kẻ Gỗ và Khe Nét thuộc hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Năm 1996, một cá thể có hình thái điển hình được phát hiện gần xã Phong Mỹ, Thừa Thiên Huế và một cá thể ở gần xã Hướng Hiệp, Quảng Trị (Lê Trọng Trải và cộng sự 1999). Sau đó còn ghi nhận thêm môt số cá thể khác tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nhưng ghi nhận cuối cùng dừng lại ở năm 2000, khi một con trống được tịch thu từ một thợ săn và nuôi nhốt tại Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 2009, ghi nhận một cá thể có thể là con mái Gà lôi lam mào trắng bắt được gần Đèo Hải Vân, nhưng về định loại chưa chắc chắn (A. Hennache trao đổi qua thư 2012).[2]